Báo cáo rà soát kế hoạch phát triển từng ngành công nghiệp vừa gửi lên Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng than sạch cả nước ước đạt 20,6 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2016, bằng khoảng 44,5% kế hoạch năm.
Tồn khi than 6 tháng đầu năm khoảng 10,22 triệu tấn, trong đó Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) khoảng 9,3 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc khoảng 920 nghìn tấn.
6 tháng đầu năm đóng góp của ngành than chiếm tỷ trọng 0,84%/GDP cả nước, chiếm tỷ trọng 3,04%/GDP công nghiệp, đóng góp 0,06 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP.
Theo báo cáo, nguyên nhân làm cho ngành khai thác than đạt thấp so với kế hoạch chủ yếu do điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng xuống sâu và xa hơn, việc áp dụng mức tính thuế và phí mới làm cho chi phí khai thác tăng, dẫn đến giá thành sản xuất cao, làm giảm sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước so với than nhập khẩu. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các loại phí và thuế chiếm khoảng 14-15% trong giá thành than.
Đáng lưu ý, 6 tháng đầu năm mới chỉ xuất khẩu được 1 triệu tấn than, nguyên nhân do nhu cầu thị trường thấp, nguồn than trên thế giới đang có xu hướng tăng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, năng lực sản xuất của ngành hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu than cho sản xuất, tuy nhiên, việc gia tăng sản lượng khai thác phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Ngành than phấn đấu hoàn thành mục tiêu sản lượng than sạch sản xuất khoảng 41,43 triệu tấn, tăng 7,6% so với năm 2016. Tồn kho than sạch cuối năm 2017 dự kiến sẽ là khoảng 13,85 triệu tấn.
Báo cáo cho biết, hiện nay, EVN đã đề xuất điều chỉnh lại nhu cầu sử dụng than của TKV năm 2017 từ 19,92 triệu tấn giảm xuống 17,92 triệu tấn, việc cắt giảm sản lượng sẽ gây thiệt hại cho TKV và các đối tác do đã ký hợp đồng triển khai kế hoạch từ đầu năm 2017, dẫn đến khả năng làm tăng tồn kho than so với kế hoạch.
Để giải quyết vấn đề tồn kho than, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đơn vị EVN, PVN và các hộ sản xuất phân bón (Tập đoàn Hoá chất, Tổng công ty xi măng) ưu tiên sử dụng than của TKV trên cơ sở áp dụng nguyên tắc giá thị trường và thực hiện mua than của TKV, Tổng công ty Đông Bắc theo đúng khối lượng như thoả thuận mua bán đã ký kết đầu năm.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì, hiệp thương giá bán than đến các hộ tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, để các doanh nghiệp trong nước ưu tiên sử dụng than của TKV và than Đông Bắc thì về nguyên tắc giá bán than đối đa bằng giá than nhập khẩu.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương kiểm tra cụ thể cơ cấu giá than hiện nay, tác động từ việc điều chỉnh các loại thuế trong năm 2017 tới giá thành sản xuất, đồng thời giao TKV và Công ty Than Đông Bắc báo cáo cụ thể về việc tiết giảm chi phí năm 2017.
Trước đó, trong một báo cáo gửi lên Bộ Tài chính về tình hình thực hiện giá thành, giá bán than, TKV cho biết, năm 2016 là một năm khó khăn đối với ngành khai khoáng do sản lượng giảm và giá bán thấp.
“Đối với TKV là một năm khó khăn nhất từ khi thành lập đến nay, đặc biệt khi thị trường than nhập khẩu tăng cao, thuế suất than của Việt Nam các năm gần đây liên tục tăng, đang cao hơn khoảng 10% so với các nước trong khu vực trong khi điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu và đi xa hơn cho nên chi phí bắt buộc phải tăng lên so với giai đoạn trước”, báo cáo cho biết.
Theo TKV, suất đầu tư tăng đã làm tăng chi phí khấu hao và lãi vay (suất đầu tư năm 2000 khoảng 50 USD/tấn thì hiện tăng lên 150-180 ISD/tấn công suất mỏ hầm lò). Trong khi đó, chi phí đảm bảo môi trường tăng cao, nhất là một số nơi do ảnh hưởng đợt mưa lớn lịch sử năm 2015 vẫn còn đang phải tiếp tục thực hiện. Giai đoạn từ năm 2012-2016, giá bán than liên tục điều chỉnh giảm, TKV đã phải cắt giảm chi phí, điều chỉnh công nghệ tạm thời, giảm đất bóc, đào lò, chọn nơi điều kiện thuận lợi khai thác trước, chỉ đạo và điều hành giảm tối đa giá thành, bán được than.
Phương Dung